Xe thư viện lưu động: Mang đến luồng sinh khí mới cho ngành thư viện

(Tổ Quốc)- Xe thư viện lưu động là một trong những điểm sáng của ngành thư viện. Không chỉ thể hiện tính ưu việt, hiệu quả, dự án này còn đem đến luồng sinh khí mới cho toàn ngành, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Đề án Phát triển văn hóa đọc.

Để hiểu rõ hơn về dự án, PV Báo Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

 Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà. (Ảnh: Minh Khánh)

PV: Xã hội hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra của ngành Thư viện, trong những năm qua, công tác này đã được triển khai như thế nào thưa Vụ trưởng?

Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà: Xác định xã hội hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã không dừng lại ở việc chỉ đạo, khuyến khích và còn tham gia vào việc vận động tài trợ và hướng dẫn địa phương, các thư viện vận hành hiệu quả và duy trì bền vững các dự án đã triển khai. Trong những năm qua, công tác xã hội hóa đã được triển khai và đem lại những hiệu quả rất đáng khích lệ, có thể kể đến một số dự án tiêu biểu sau:

Thứ nhất: Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam" do Quỹ Bill và Melinda Gates tài trợ. Đây là dự án có quy mô địa bàn hỗ trợ lớn nhất cho hệ thống thư viện công cộng tại Việt Nam. Năm 2009, Quỹ Bill và Melinda Gates (BMGF) đã tài trợ cho Dự án “Thí điểm nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” với 27 điểm thư viện cấp tỉnh, huyện, trường học, UBND xã tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Nghệ An và Trà Vinh. Nhờ kết quả đạt được tại Dự án thí điểm, BMGF đã quyết định tiếp tục tài trợ cho Việt Nam và dự án mở rộng với quy mô 40 tỉnh trên cả nước. 

Dự án này không chỉ giới hạn trong phạm vi hỗ trợ về máy tính, internet mà còn triển khai nhiều hoạt động đồng bộ khác như: truyền thông, đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ, xây dựng và phân phối các nội dung thông tin đáp ứng nhu cầu người dân…

Thứ hai: Dự án Giáo dục đại học với sự hỗ trợ từ tổ chức từ thiện của Mỹ - Atlantic Philanthropies - Việt Nam đã góp phần vào việc phát triển cơ sở hạ tầng về giáo dục của Việt Nam, thông qua việc hỗ trợ xây dựng các thư viện điện tử trong các trường đại học, xây dựng Trung tâm Học liệu tại các đại học vùng của Việt Nam là: Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Cần Thơ, và Đại học Thái Nguyên. 

Thứ ba: Dự án tài trợ sách tiếng Anh của Quỹ Châu Á (Hoa Kỳ) trong giai đoạn 2009-2012, đã tài trợ 120.000 bản sách, trị giá 5.023.930 USD và giai đoạn 2012-2015 đã tiếp nhận 83.303 bản sách, trị giá trên 3.776.692 USD. Dự án này vẫn đang tiếp tục được triển khai, giúp các thư viện có thêm nguồn tài liệu tiếng Anh có giá trị.

Thứ tư: Dự án Quỹ Force của Hà Lan về hỗ trợ những người khuyết tật, người mù, người khiếm thị ở các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, Quỹ Force đã tài trợ cho các thư viện phục vụ người khiếm thị: tổ chức 8 lớp tập huấn cho 153 cán bộ thư viện về công tác phục vụ người khiếm thị, xây dựng 5 studio trong các thư viện phục vụ cho người khiếm thị, tài trợ 356 thiết bị chuyên dụng cho hơn 100 cơ quan phục vụ người khiếm thị, hỗ trợ cho việc sản xuất gần 50.000 bản tài liệu chữ nổi dành cho người khiếm thị.

Thứ năm: Các dự án “xe thư viện lưu động”. Có thể kể đến: Dự án trang bị xe ô tô thư viện lưu động do nước ngoài tài trợ: Thư viện TP. Hồ Chí Minh đã được trang bị 2 xe ô tô thư viện lưu động. Năm 2008, Pháp tài trợ cho Thư viện tỉnh Yên Bái và năm 2011, Singapore tài trợ cho Thư viện TP. Hà Nội. Nhờ nguồn xã hội hóa, Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện Hà Nội và Thư viện tỉnh Yên Bái đã được các tổ chức nước ngoài và trong nước hỗ trợ ô tô thư viện lưu động.

Về Dự án trang bị xe ô tô thư viện lưu động do tổ chức trong nước tài trợ, gần đây, Vụ Thư viện cùng với Quỹ Thiện Tâm, Tập đoàn Vingroup đã triển Dự án “Xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện” nhằm trang bị xe, sách, máy tính cho các thư viện tỉnh, thành phố. Đến nay, 13 thư viện tỉnh đã được tiếp nhận xe từ dự án này. 

Ngoài ra, còn nhiều chương trình và dự án khác được triển khai như: Dự án “Room to Read” của cựu Phó Chủ tịch Tập đoàn Microsoft mở ở Việt Nam nhằm cung cấp sách báo miễn phí cho trẻ em nghèo; Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu chung CONSAL: TVQGVN đã tiếp nhận 01 máy Scanner Minolta PS 7000 và 1 máy tính trị giá 10.000 USD và đã hoàn thành việc số hóa 322 cuốn sách giới thiệu về Việt Nam bằng tiếng Anh góp vào cơ sở dữ liệu chung của khu vực;  Dự án Microfilm dành cho các sách báo trước năm 1954 với Thư viện Nghiên cứu Mỹ trị giá 24.000 USD, 3 đợt nhận phim cuộn và vật tư cho chụp vi phim trị giá khoảng trên 2.500 USD; Chương trình sách hóa nông thôn;…

PV: Dự án Xe thư viện lưu động “Ánh sáng tri thức” là một trong những điểm sáng trong công tác xã hội hóa trong thời gian gần đây. Vụ trưởng có thể giới thiệu đôi nét về dự án này?

Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà: Dự án này được bắt đầu triển khai từ cuối năm 2015, đầu năm 2016. Dự án đã triển khai tại 13 tỉnh thành phố. Cùng với Tập đoàn Vingroup, Quỹ Force đã tài trợ thêm máy tính và các thiết bị phục vụ người khiếm thị; Công ty Cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L đã tài trợ phần mềm quản lý cho các thư viện. 

Mô hình Xe thư viện lưu động “Ánh sáng tri thức” . (Ảnh: Minh Khánh)

Mỗi xe ô tô thư viện lưu động được trang bị hơn 4000 cuốn sách, máy tính và các sách nói, máy chủ, phần mềm, máy chiếu, vô tuyến, tài liệu điện tử, sách nói và các thiết bị phục vụ cho người khiếm thị. Dự án nhằm thúc đẩy việc đưa thông tin và tri thức đến với người dân trong cộng đồng (bao gồm cả người khiếm thị) ở vùng sâu, vùng xa, miền núi và những vùng đặc biệt khó khăn.

PV: Từ khi được triển khai, dự án xe thư viện lưu động đã đạt được những kết quả gì và những kết quả này đã tác động như thế nào đến sự phát triển của văn hóa đọc nói riêng và toàn ngành thư viện nói chung, thưa Vụ trưởng?

Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà: Qua gần 2 năm kể từ khi trao tặng xe đợt 1 (Tháng 10/2016), dự án xe thư viện lưu động đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận và những kết quả này đã tác động đáng kể đến sự phát triển của văn hóa đọc trong cộng đồng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.

Chỉ riêng năm 2017, 5 thư viện tỉnh thành tiếp nhận xe đã triển khai 268 đợt luân chuyển sách báo và phục vụ lưu động đến các thư viện cấp xã, thư viện trường học, đồn biên phòng với 985.148 lượt người được phục vụ trong đó tại một số địa phương đã có tổ chức phục vụ đối tượng là người khiếm thị (như Nghệ An với trên 200 lượt người), lượt sách báo luân chuyển của năm tỉnh trong năm 2017 ước đạt hơn 1.8 triệu lượt. 

Song song với phục vụ sách báo, các thư viện đã triển khai phục vụ máy tính và truy cập internet kết hợp với các buổi chiếu bóng phục vụ bà con nhân dân. Các xe ô tô thư viện lưu động đã phục vụ hơn 30.000 lượt, hàng chục ngàn lượt người đã tham gia các hoạt động chiếu phim lưu động,…

Riêng 8 tỉnh đợt 2, mới được 3 tháng hoạt động đã phục vụ được 210.028 lượt người, lượt sách, báo được luân chuyển là 400.104 lượt. Ngoài ra cũng đã tổ chức phục vụ máy tính và truy cập internet hơn 13.560 lượt và phục vụ hơn 14.815 lượt người xem phim.

13 thư viện đã tích cực triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa diễn ra song song với việc đọc sách như: kể chuyện theo sách, vẽ tranh theo sách, chiếu phim hoạt hình, đố vui nhận quà, tặng sách,... Hoạt động này đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham dự, đặc biệt là trẻ em. Các em thiếu nhi vô cùng thích thú với các hoạt động và mong tần suất xe đến với trường nhiều hơn. Ngoài các em học sinh, thiếu nhi, các thư viện tỉnh cũng đã đi phục vụ bà con dân tộc, các chiến sĩ tại các đồn biên phòng, các phạm nhân và cán bộ chiến sỹ tại Trại tạm giam (như An Giang, Nghệ An, Gia Lại, Lạng Sơn, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên…).

Những chuyến xe mang ánh sáng tri thức đã thực sự góp phần xóa đói thông tin, xóa mù công nghệ tạo ra một luồng sinh khí mới cho các thư viện tỉnh trong việc triển khai các hoạt động phục vụ cộng đồng, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

PV: Với những hiệu quả mà dự án mang lại, trong tương lai, Vụ thư viện sẽ có kế hoạch như thế nào để duy trì và phát triển Dự án?

Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà: Để Dự án tiếp tục được lan tỏa và mở rộng mô hình xe ô tô thư viện lưu động, góp phần nâng cao dân trí, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, phát triển văn hóa đọc, tạo thêm điều kiện cho người dân, đặc biệt là trẻ em có điều kiện tiếp cận với thông tin và tri thức, thực hiện việc học tập suốt đời, Vụ Thư viện đã tiếp tục vận động tài trợ, khảo sát và hướng dẫn địa phương về cam kết thực hiện khi tiếp nhận xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

- Đối với những thư viện đã nhận được xe ô tô thư viện lưu động, Vụ Thư viện tiếp tục kiểm tra, giám sát và đôn đốc các đơn vị báo cáo về tình hình triển khai các hoạt động phục vụ lưu động đồng thời hỗ trợ các đơn vị trong quá trình vận hành xe ô tô phục vụ lưu động.

- Đối với các thư viện chưa được nhận xe ô tô thư viện lưu động, Vụ Thư viện sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình hiện tại, tháo gỡ những vướng mắc để đề xuất mô hình ô tô thư viện lưu động đa phương tiện phù hợp với từng địa phương. 

- Quỹ Thiện Tâm của tập đoàn VinGroup đã đồng hành cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc trang bị ô tô thư viện lưu động đa phương tiện cho các thư viện tỉnh từ những năm trước, Vụ Thư viện sẽ tiếp tục kết hợp với Quỹ Thiện Tâm của tập đoàn VinGroup phấn đấu trang bị ô tô thư viện lưu động cho tất cả các thư viện tỉnh/ thành trên cả nước để đẩy mạnh công tác phục vụ người dân ở những vùng sâu, vùng xa, những vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. 

Và để tạo điều kiện cho công tác phục vụ lưu động ở địa phương, tháng 9/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn thư viện phục vụ lưu động và luân chuyển tài liệu. Đây sẽ là văn bản có giá trị từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn và giúp các thư viện ở địa phương có căn cứ xây dựng kế hoạch và kinh phí hoạt động trong quá trình triển khai phục vụ lưu động trên địa bàn.

Ngoài ra, Vụ Thư viện đã, đang và sẽ đồng hành với nhiều tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị và cá nhân khác trong và ngoài nước để có thêm nhiều dự án, chương trình hỗ trợ cho các hoạt động của ngành thư viện trong thời gian tới.

PV: Xin cám ơn những chia sẻ của Vụ trưởng./.

 

Thực hiện: Hằng Đinh