Vai trò của hoạt động đào tạo đối với sự phát triển bền vững thư viện đại học, kinh nghiệm từ TTHL – ĐHTN

Sau hơn 5 năm hoạt động và phát triển, Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên (TTHL- ĐHTN) trong suy nghĩ của các bạn sinh viên hiện nay là một trung tâm hiện đại, năng động và thân thiện, không chỉ là nơi học tập có hiệu quả mà còn là môi trường thư giãn, nghỉ ngơi lý tưởng sau những giờ lao động trí óc căng thẳng.

 TTHL từng bước đã trở thành một địa chỉ tin cậy và quen thuộc không thể thiếu với bạn đọc khi có nhu cầu về các loại hình tài liệu và một môi trường học tập chuyên nghiệp có chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu lấy người học làm trung tâm của phương pháp giảng dạy hiện đại. Thành công này có được nhờ chính sách coi bạn đọc thực sự là “khách hàng” của trung tâm để phục vụ thật tốt cũng như nhờ đội ngũ cán bộ năng động, nhiệt tình, có trách nhiệm, và hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ giáo dục đầy đủ, hiện đại. Tuy nhiên, chi phí để duy trì và vận hành một TTHL hiện đại như vậy là rất tốn kém và chính là thách thức lớn nhất đối với sự tồn tại và phát triển của trung tâm. Chỉ tính riêng hai khoản chi phí cố định, mỗi năm trung tâm phải chi trả khoảng 620 triệu tiền điện nước, 300 triệu chi phí thông tin, liên lạc. Vì vậy, câu hỏi làm thể nào để có nguồn kinh phí ổn định cho hoạt động của trung tâm luôn là câu hỏi thường trực cho lãnh đạo TTHL.  Để giải quyết khó khăn này, Ban lãnh đạo TTHL đã đưa ra giải pháp là phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ có thu: kết hợp linh hoạt giữa các hoạt động có thu ngắn hạn với những dịch vụ dài hạn, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của các hoạt động đào tạo.

Chưa vội bàn đến khía cạnh hiệu quả kinh tế, có thể khẳng định việc tham gia vào các hoạt động đào tạo là giải pháp hiệu quả giúp nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của TTHL.Từ năm 2009, TTHL đã phối hợp với Đại học Khoa học tổ chức đào tạo ngành Khoa học Thư viện, hệ chính quy tại Đại học Thái Nguyên. Sự hợp tác này đã đem lại một mô hình đào tạo thực sự hiệu quả, chất lượng, giúp sinh viên gắn học với hành, lý thuyết với thực tế. Nhờ tham gia vào hoạt động này, vai trò của cán bộ TTHL cũng được nâng lên, cán bộ TTHL tự tin hơn và chủ động hơn trong việc tự trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ bản thân, tăng cường hiệu quả hoạt động của trung tâm.

Lễ trao bằng tốt nghiệp các lớp hệ Từ xa do Viện Đại học Mở Hà Nội  và TTHL - ĐHTN liên kết đào tạo

Vậy việc tham gia vào các hoạt động đào tạo đem lại những hiệu quả kinh tế như thế nào cho TTHL ? Nếu xem xét từ góc độ này, có thể chia các hoạt động đào tạo ra thành hai dạng :

  • Các hoạt động đào tạo trực tiếp góp phần bổ sung thêm nguồn tài chính cho trung tâm. Ví dụ : tại TTHL đó là các dự án liên quan đến đào tạo như dự án "Trao đổi và Kết nối toàn cầu Việt Nam ‘’, Dự án "Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet Công cộng tại Việt Nam ‘’, hay các chương trình đào tạo ngắn hạn nghề thư viện điện tử
  • Các hoạt động đào tạo không trực tiếp góp phần tạo ra nguồn thu: đào tạo người dùng tin, đào tạo sinh viên chính quy…

Tuy không trực tiếp góp phần tạo ra nguồn tài chính bổ sung, nhưng có thể khẳng định loại hình đào tạo thứ hai cũng có vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển bền vững của TTHL. Tương tự như các thư viện đại học khác, hiện nay, kinh phí do nhà nước cấp, được phân bổ qua ĐHTN vẫn là nguồn thu thường niên, ổn định và quan trọng nhất của TTHL. Và lẽ thường thì mức phân bổ kinh phí cũng như các hỗ trợ khác từ lãnh đạo cấp trên phụ thuộc vào tầm quan trọng, mức độ đóng góp của đơn vị bên dưới.  Đối với TTHL, bên cạnh các kết quả phục vụ của công  tác thông tin thư viện thì có thể nói, chính việc trực tiếp tham gia vào các hoạt động đào tạo là bằng chứng rõ ràng về những đóng góp, tầm quan trọng và ảnh hưởng của trung tâm, qua đó góp phần thuyết phục lãnh đạo ĐHTN  phân bổ kinh phí phù hợp, cũng như có những ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của TTHL.

Như vậy có thể khẳng định việc tham gia vào các công tác đào  tạo có tác động rất quan trọng tới sự phát triển bền vững của TTHL nói riêng cũng như các thư viện đại học Việt Nam nói chung. Câu hỏi đặt ra là, ngoài các hoạt động đào tạo mang tính tạm thời, ngắn hạn, các thư viện đại học có thể tham gia vào các hoạt động đào tạo ổn định nào trong trường đại học ? Câu trả lời không quá khó tìm: Đó là các hoạt động đào tạo kỹ năng thông tin trong kỷ nguyên số.

 Như chúng ta đã biết, các hoạt động giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên hiện nay luôn gắn liền với Internet. Người dạy và người học đều đang sử dụng Internet một cách thường xuyên như là một kênh để giúp kiểm tra thông tin và cập nhật tri thức mới. Tuy nhiên trong kỷ nguyên số hiện nay, khi mà lượng thông tin số trên mạng tăng gấp 2 lần chỉ sau mỗi 11 tiếng (theo kết quả một nghiên cứu do IBM thực hiện năm 2010) thì việc lựa chọn và sử dụng thông tin một cách hiệu quả không hề dễ dàng. Kỷ nguyên số làm xuất hiện nhu cầu về một nhóm kỹ năng mới : Kỹ năng thông  tin (Information literacy, theo Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ – ALA đó là nhóm kỹ năng giúp nhận biết được nhu cầu thông tin của bản thân, cũng như khả năng phân tích, định vị, đánh  giá và sử dụng hiệu quả thông tin tìm được : http://www.ala.org/acrl/issues/infolit/overview/intro).

Đối với giáo dục trong kỷ nguyên số thì kỹ năng thông tin rất quan trọng, là nền tảng giúp sinh viên phát triển năng lực bản thân trong tư duy độc lập và sáng tạọ. Vậy nên chăng đến lúc đưa môn học về kỹ năng thông tin vào chương trình đại học như là một phần khối lượng kiến thức tối thiểu (khối kiến thức giáo dục đại cương) đối với sinh viên đại học mọi chuyên ngành? Việc đưa thêm môn học về kỹ năng thông tin vào giảng dạy trong các trường đại học chính là sự thể hiện của việc đổi mới giáo dục cho phù hợp với thực tế, đồng thời cũng là cơ hội khẳng định những đóng góp cũng như vai trò ngày càng quan trọng hơn của các thư viện đại học, giúp thư viện đại học khẳng định đúng vị thế của mình trong công cuộc nâng cao chất lượng giáo dục đại học hiện nay.

Thiều Trung Hiếu, Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên