Thực trạng và giải pháp triển hệ thống thư viện Việt Nam trong bối cảnh hiện nay

1. Thực trạng hệ thống thư viện

     1.1. Số lượng, quy mô thư viện

Theo thống kê đến cuối năm 2017, Việt Nam đã hình thành mạng lưới thư viện rộng khắp với tổng số khoảng 48.000 thư viện, phòng đọc sách các loại, trong đó có hai loại hình cơ bản là thư viện công cộng và thư viện đa ngành, chuyên ngành,  phân bố như sau:

- Khoảng 28.000 thư viện, phòng đọc sách công cộng, bao gồm: Thư viện Quốc gia Việt Nam, 64 thư viện cấp tỉnh, 587 thư viện cấp huyện, gần 10.000 thư viện, tủ sách, phòng đọc sách ở cơ sở do ngành Văn hoá - Thông tin (VHTT) xây dựng. Ngoài ra còn có 10.000 tủ sách pháp luật xã, trên 7.000 phòng đọc sách trong các điểm Bưu điện - Văn hoá xã, trên 400 thư viện, tủ sách đồn biên phòng…

- Khoảng 20.000  thư viện chuyên ngành, đa ngành, trong đó thư viện nhà trường (đa số thuộc Bộ Giáo dục - Đào tạo) với  240 thư viện trong các trường đại học, cao đẳng; trên 400 thư viện các trường trung cấp và khoảng 19.000 thư viện trong trường phổ thông các cấp. Mạng lưới thư viện trong các viện nghiên cứu, các cơ quan nhà nước (do các Bộ, ban, ngành thành lập) với hơn 60 thư viện các viện nghiên cứu khoa học, trên 200 trung tâm thông tin - thư viện các Bộ, ngành.

 Về nguồn tài liệu tại các thư viện: Lượng tài liệu in (sách báo, tạp chí) ước tính 125 triệu đơn vị và khoảng 11,5 triệu tài liệu điện tử. Như vậy, nếu tính theo bình quân đầu người thì mỗi người dân Việt nam có 1,25 quyển sách in và 0,12 tài liệu điện tử.

Về nguồn lực cán bộ: Ước tính có gần 15.000 cán bộ hiện đang làm việc trong các thư viện, trong đó chỉ có 80% có trình độ đại học, khoảng 10% được đào tạo đúng chuyên ngành.

Ngân sách thường xuyên  dành cho mua sắm, bổ sung tài liệu cho thư viện ước tính đạt  240 - 250 tỷ đồng/năm (không kể phần xây dựng cơ bản), trong đó 65-70% là ngân sách của các thư viện nhà trường thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

1.2. Đầu tư cho thư viện những năm gần đây

Nhiều thư viện ở Việt Nam đã và đang tích cực đa dạng hoá phương thức hoạt động: kho đóng, kho mở, multimedia…, chuyển dần từ phục vụ truyền thống sang hiện đại (ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin)… Bên cạnh việc đa dạng hóa phương thức tổ chức và hoạt động, nhiều thư viện ở nước ta cũng đang tích cực đa dạng hoá sản phẩm và dịch vụ thông tin-thư viện, cả sản phẩm thư viện truyền thống và sản phẩm thư viện hiện đại, như: Thư mục sách báo, tạp chí, trang thông tin điện tử (website), cơ sở dữ liệu thư mục và toàn văn v.v...  Cơ sở vật chất, kinh phí cho các hệ thống thư viện ở Việt Nam ngày càng được quan tâm và đầu tư lớn hơn so với trước.

Các thư viện trung ương, thư viện tỉnh, thành phố, thư viện trường đại học, các thư viện Bộ, ngành... bằng nhiều nguồn vốn khác nhau như ngân sách nhà nước, sự tài trợ của nước ngoài…đã được sự quan tâm và đầu tư về cơ sở vật chất. Ví dụ: Chỉ riêng hệ thống thư viện công cộng Việt Nam, hiện đã xây dựng mới được khoảng 80% thư viện tỉnh, thành phố (bình quân mỗi thư viện từ 30-40 tỷ đồng, có thư viện được xây dựng gần 100 tỷ đồng, như Thanh Hóa, Hải Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu...). Nhiều thư viện và trung tâm thông tin-thư viện trường đại học lớn đã được xây dựng mới với kinh phí hàng chục tỷ đồng như:  Hệ thống các Trung tâm học liệu tại 4 đại học vùng: ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng và ĐH Cần Thơ được tổ chức Atlantic Philanthropies tài trợ xây dựng mỗi Trung tâm khoảng 200 tỷ, Thư viện Tạ Quang Bửu trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Trung tâm Thông tin - Thư viện trường Đại học Giao thông Vận tải (hơn 25 tỷ đồng)...

Bên cạnh đó có nhiều đề án lớn của Trung ương, các địa phương đầu tư cho thư viện nhằm điện tử hóa hoạt động thư viện, cung cấp trang thiết bị thư viện hiện đại ,ví dụ Thư viện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đầu tư gần 30 tỷ cho điện tử hóa; Thư viện tỉnh Gia Lai hơn 3 tỷ; Thư viện tỉnh Đắk Lắk 3,5 tỷ... Ngoài ra, kinh phí chi cho hoạt động thư viện ở nhiều nơi, năm sau cao hơn năm trước (bình quân từ 6 đến 10%). Đặc biệt, để huy động mọi nguồn lực cho thư viện phát triển, ở trung ương và nhiều địa phương trong cả nước đã tích cực tiến hành công tác xã hội hoá và đa dạng hoá hoạt động thư viện (Thư viện thành phố Hà Nội, Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện tỉnh Yên Bái v.v... được hưởng lợi xe ôtô thư viện lưu động trị giá từ 1 tỷ đến 1,5 tỷ đồng từ các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài).

Ảnh minh họa

   2. Thành tựu và đóng góp của ngành thư viện

Hệ thống thư viện Việt Nam đã được xây dựng và phát triển ổn định, mạng lưới thư viện được bao phủ rộng khắp các địa phương, các ngành với quy mô đa dạng.  Những năm gần đây, hệ thống thư viện được mở rộng cả về số lượng và chất lượng. Nhiều thư viện các trường đại học, viện nghiên cứu, thư viện các Bộ, ngành và thư viện cấp tỉnh đã áp dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động, đang làm thay đổi diện mạo các thư viện Việt Nam thông qua việc chuyển đổi từ thư viện truyền thống sang thư viện điện tử, thư viện số hiện đại. Thư viện phục vụ rộng rãi các đối tượng, bám sát nhu cầu thông tin, học tập, công tác và giải trí của mọi tầng lớp nhân dân trong từng giai đoạn phát triển, phù hợp với đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội của đất nước.  Công tác thư viện ngày càng được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm, được xã hội thừa nhận và khẳng định. Nhà nước đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật tạo điều kiện cho các thư viện phát triển. Nhiều chương trình cấp Nhà nước đã đầu tư cho lĩnh vực thư viện.  Đã hình thành một đội ngũ cán bộ làm công tác thư viện có trình độ chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm công tác, có lòng nhiệt tình yêu nghề. Công tác đào tạo cán bộ chuyên ngành được chú trọng với nhiều hình thức: Chính quy, tại chức, đào tạo lại ở nhiều cấp độ khác nhau: thạc sỹ, cử nhân, trung cấp. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thư viện ngày càng được chú trọng, mở rộng và phát triển, kêu gọi được nguồn vốn đáng kể. Vị thế của ngành thư viện Việt Nam được khẳng định trên trường quốc tế.

Thư viện đã có nhiều đóng góp, góp phần thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước, nâng tầm giá trị tinh thần của người Việt, kết quả được thể hiện cụ thể ở các mặt sau:

      Đối với thư viện công cộng: Hoạt động thư viện đã phục vụ đắc lực cho các nhiệm vụ chính trị, sản xuất, nghiên cứu khoa học, phát triển văn hóa, xã hội của đất nước, của địa phương, của các cơ quan, xí nghiệp cũng như góp phần nâng cao dân trí, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dân. Việc đảm bảo thông tin cho các đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở đến cấp nhà nước, việc tuyên truyền, phổ biến các tài liệu thông tin về những thành tựu khoa học, công nghệ, văn hóa, xã hội mới nhất đã làm cho các cơ quan thông tin, thư viện trở thành những đồng minh thân cận, những trợ thủ đắc lực cho các cơ quan Đảng, chính quyền, các đơn vị sự nghiệp khoa học, văn hóa, xã hội các cấp. Số lượt người sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của các cơ quan thông tin, thư viện ngày càng tăng. Nếu như vào những năm 2010, mỗi năm đã có trung bình 18 triệu lượt người tới sử dụng các thư viện , thì đến năm 2017 đã tăng lên khoảng 29 triệu lượt (tăng khoảng 60%). Sau khi ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt đã cung cấp dịch vụ truy cập tài liệu điện tử và đa dạng hóa các dịch vụ của thư viện như tiến hành phục vụ bạn đọc tại kho mở, phòng đọc đa phương tiện có kết nối Internet, tạo điều kiện để bạn đọc tiếp cận tới nhiều nguồn thông tin khác nhau đã lôi cuốn được nhiều bạn đọc sử dụng thư viện hơn. 

    Đối với thư viện chuyên ngành (thư viện nhà trường, thư viện các viện nghiên cứu): Thư viện góp phần rất quan trọng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ công tác học tập và giảng dạy, là nơi cung cấp tri thức nhanh nhất, đáng tin cậy và hiệu quả nhất cho giảng viên và sinh viên. Thư viện lưu trữ và bổ sung, cập nhật những thông tin, giáo trình, tài liệu tham khảo, các tư liệu điện tử,… phục vụ cho hoạt động tìm kiếm tài liệu, nghiên cứu khoa học của sinh viên; tạo điều kiện học tập cho sinh viên cả về không gian, thời gian. Giống như các trường đại học tiên tiến khác, có thể coi thư viện là giảng đường thứ 2 của sinh viên, là nơi sinh viên tự học, tự do nghiên cứu và sáng tạo, qua đó góp phần đổi mới phương pháp dạy - học. Chính vì vậy, có thể nói thư viện là trái tim tri thức của một trường Đại học.    Đối với các viện nghiên cứu, vai trò của thư viện cũng vô cùng quan trọng vì đây là nơi các nhà khoa học cập nhật thông tin mới, góp phần định hướng nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện kiến thức, kỹ năng và  phương pháp nghiên cứu của bản thân.

Trong những năm gần đây,  phần lớn các trường đại học, cao đẳng đã có nhìn nhận, đánh giá đúng hơn vai trò của thư viện đối với sự phát triển chung nên đã đầu tư, nâng cấp, cải tiến dịch vụ phục vụ, qua đó đã nâng cao đáng kể số lượng bạn đọc, ước tính mỗi năm có khoảng 13-14 triệu lượt giảng viên và sinh viên đến thư viện, và khoảng 8-9 triệu lượt truy cập tài liệu điện tử, tăng khoảng trên 80% so với năm 2010. Tuy nhiên, với tổng quy mô sinh viên hiện có (khoảng 1,7 triệu) thì mỗi năm một sinh viên chỉ đến thư viện 7,9 lần/năm, truy cập tài liệu điện tử 5 lần/năm), con số này còn rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực, ví dụ Singapo 45,8 và 62,3 lần/năm, Malaysia 34,2 và 35,7 lần/năm tương ứng. 

           3. Một số hạn chế của hệ thống thư viện

Sự phát triển không đồng đều của các thư viện

  * Không đồng đều giữa các vùng: Hệ thống thư viện phụ thuộc rất nhiều vào khu vực địa lý, điều kiện kinh tế của địa phương. Tại các thành phố, các tỉnh đồng bằng thư viện được đầu tư tốt hơn so với các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, nếu chỉ tính kinh phí chi thường xuyên có thể chênh lệch nhau hàng chục thậm chí hàng trăm lần. Minh chứng rõ nhất của vấn đề này là khi khảo sát hệ thống thông tin, thư viện tại Việt Nam, Quỹ Bill & Melinda Gates đã nhận thấy có sự chênh lệch rất lớn giữa các vùng nên quyết định chỉ chọn 40 tỉnh khó khăn trên tổng số 64 tỉnh thành để đầu tư 40 triệu USD máy tính, internet.

 * Không đồng đều giữa thư viện công cộng và thư viện chuyên ngành (trường đại học, viện nghiên cứu) so với thư viện các trường Đại học, viện nghiên cứu thì thư viện công cộng kể cả thư viện cấp tỉnh, thành phố còn hạn chế hơn rất nhiều mặt, cả về cơ sở vật chất, trình độ đội ngũ cán bộ, số lượng và chất lượng tài liệu và đặc biệt là mức độ ứng dụng công nghệ thông tin… đây là nguyên nhân chính khiến cho bạn đọc tại các thư viện công cộng ngày càng ít (chỉ chiếm chưa đến 5% so với thư viện chuyên ngành)

Cơ sở hạ tầng còn thiếu về số lượng, chất lượng thấp, chậm thay thế nâng cấp

Phần lớn các thư viện hiện nay có diện tích nhỏ hẹp, cơ sở vật chất, thiết bị lạc hậu, xuống cấp, bạn đọc không đủ tin cậy khi nhìn vào bộ mặt của các thư viện. Mới chỉ có gần 1% thư viện có trụ sở riêng, có diện tích trên 1000 m2 (thư viện các trường đại học, thư viện cấp tỉnh). Số lượng máy tính phục vụ bạn đọc tại thư viện ít, số lượng máy tính ít, chưa đáp ứng yêu cầu bạn đọc (khoảng 40% số thư viện nhà trường và 58% thư viện công cộng chỉ có dưới 20 máy tính); số lượng thư viện được nối mạng còn ít (khoảng 38% thư viện công cộng và 83% thư viện nhà trường).

Số lượng tài liệu ít, chất lượng tài liệu chưa đáp ứng yêu cầu người dùng

Về số lượng tài liệu: Mặc dù số lượng tài liệu đã tăng lên trong những năm gần đây, nhưng so với thế giới chúng ta còn ở mức thấp (bình quân các nước phát triển: 18,79 sách/người; các nước đang phát triển 8,76 sách/người, Việt Nam 1,25 sách/người).

Về chất lượng: Phần lớn là các tài liệu cũ, đã xuất bản cách đây nhiều năm, các tài liệu mới xuất bản trong 5 năm gần đây chỉ chiếm bình quân khoảng 5-6%. Số lượng tài liệu điện tử ít, công tác số hóa diễn ra chậm, mặc dù đa số các thư viện công cộng cấp tỉnh đã có website riêng nhưng chỉ có khoảng 15-20% có tài liệu điện tử, mặt khác các tài liệu này ít có giá trị nên người dùng ít khi truy cập.

Chất lượng đội ngũ cán bộ thư viện chưa cao

Mặc dù số lượng cán bộ đang làm việc trong hệ thống thư viện khá đông đảo song chất lượng thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển thư viện, đặc biệt là thư viện hiện đại. Mới chỉ có 10% cán bộ được đào tạo bài bản, số còn lại được chuyển đến từ số cán bộ dư thừa, hoặc chất lượng kém từ các lĩnh vực khác. Đặc biệt ngành thư viện còn thiếu hụt các chuyên gia đầu ngành, các cán bộ được đào tạo bài bản về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng quản lý, điều hành thư viện hiện đại, chính vì vậy ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới. Một điều rất đáng lo ngại là nhận thức của cán bộ thư viện, kể cả các cán bộ quản lý còn hạn chế, chậm đổi mới, tư tưởng trông chờ, ỉ nại vào Nhà nước còn rất lớn.

4. Khó khăn và thách thức của ngành thư viện

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra và có ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thư viện. Bên cạnh những cơ hội làm thay đổi bộ mặt cũng như bản chất hoạt động của thư viện do ứng dụng những thành tựu mới mang lại, CMCN 4.0 cũng đặt ra cho ngành thư viện Việt Nam nhiều khó khăn thách thức phải đối mặt.


     - Thách thức về nhận thức của các cấp lãnh đạo và của người làm việc trong ngành thư viện: Do khoa học tiến quá nhanh trong khi nhận thức của một số lãnh đạo các cấp chưa theo kịp, chưa hiểu và có đánh giá đúng vai trò của ngành thư viện, chưa đánh giá hết ảnh hưởng của CMCN 4.0 đến ngành thư viện... điều đó làm cho ngành thư viện nước ta vốn đã lạc hậu càng trở nên tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

- Thách thức về cơ chế, chính sách: Các chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho thư viện còn ít do vậy hành lang pháp lý cho ngành thư viện còn quá hạn hẹp nên gây khó khăn cho phát triển, đặc biệt là thời gian tới khi các thư viện cần có sự chuyển đổi từ thư viện truyền thống sang thư viện điện tử, thư viện số (Chưa có nghị quyết của Đảng về thư viện như đã ban hành với ngành Xuất bản, chưa có luật thư viện…)

- Về thể chế: Về Tổ chức bộ máy của ngành thư viện chưa được quan tâm đúng mức, cấp tỉnh, huyện chưa có đơn vị quản lý nhà nước riêng về lĩnh vực thư viện, Cấp Trung ương mới chỉ có Bộ Văn hóa TT & DL có vụ thư viện, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có vụ Thư viện mặc dù hệ thống thư viện của Bộ rất lớn và quan trọng.  Để thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống thư viện, đặc biệt là hệ thống thư viện công cộng.   Việc một số tỉnh đã tiến hành sáp nhập Thư viện huyện với Trung tâm văn hóa đã gây xáo trộn lớn, tư tưởng của cán bộ thư viện bị ảnh hưởng, vai trò của thư viện bị giảm sút. Ngoài ra, một số tỉnh có kế hoạch sáp nhập thư viện với bảo tàng đang là vấn đề nóng gây tranh cãi gay gắt ở nhiều tỉnh.

- Vấn đề tài chính: Đầu tư của Nhà nước cho thư viện còn quá ít, đặc biệt là các thư viện công cộng. Để áp dụng các công nghệ mới thì đòi hỏi xuất đầu tư sẽ cao hơn nên ngoài đầu tư của Nhà nước cần có chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực thư viện.

- Thách thức về sức ỳ của hệ thống: Bản thân các thư viện cần nhận thức rõ trong bối cảnh hiện nay nhất thiết phải tự đổi mới vì nếu không đổi mới, các thư viện sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu vắng bạn đọc, thư viện sẽ mất vị thế của mình trong con mắt các cấp lãnh đạo và bạn đọc, nguy cơ giải thể, sáp nhập đang rất hiện hữu. 

- Thách thức về phía bạn đọc: Tình trạng lười đọc sách, kể cả sách điện tử diễn ra quá nhanh đặc biệt là trong thế hệ trẻ nước ta, tình trạng này đang gióng lên một hồi chuông báo động về vấn đề nhận thức, hiểu biết về tri thức khoa học cũng như tri thức xã hội của thế hệ trẻ. Theo nghiên cứu của tổ chức Pew Research Center (Mỹ), năm 2017 tại Mỹ có khoảng 72% người trưởng thành nước này thường xuyên đọc sách với trung bình 12 quyển sách/năm, trong khi nước ta chỉ có khoảng 46% người lớn thường xuyên đọc sách với trung bình 4 quyển/năm. So với các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippin… thói quen thích đọc sách của họ cũng tốt hơn ta gấp 2 lần

- Ngoài những khó khăn, thách thức vừa nêu, CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều khó khăn thách thức khác như: vấn đề bản quyền, vấn đề an toàn thông tin và bảo mật, độ tin cậy và sự trong sạch của dữ liệu…

       5. Một số giải pháp thúc đẩy phát triển ngành thư viện

- Xây dựng lại quy hoạch mạng lưới hệ thống thư viện từ Trung ương đến các địa phương, các bộ ngành theo hướng xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, tăng tính kết nối, chia sẻ dữ liệu nâng cao hiệu quả hoạt động của các thư viện.

- Tích cực áp dụng các công nghệ mới của cuộc cách mạng 4.0 trong hoạt động của thư viện, đặc biệt quan tâm đến 3 loại công nghệ liên quan trực tiếp đến ngành thư viện, đó là: công nghệ dữ liệu lớn (big data), kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (artificial intellect- AI).

- Ban hành Luật Thư viện và các văn bản chính sách liên quan để tạo hành lang pháp lý giúp thư viện hoạt động, trong đó có quy định cụ thể về thư viện điện tử/thư viện số, sản xuất, kinh doanh và chia sẻ tài liệu số, liên thông trong hoạt động thư viện, chính sách phát triển và truy cập mở…

- Tiếp tục đầu tư toàn diện cho hệ thống thư viện cả về tài chính, ngân sách, có sở vật chất, đặc biệt là đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ

6. Kết luận

 Trải qua chặng đường gần 3 thập kỷ của thời kỳ đổi mới vừa qua, ngành thư viện Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định, có những đóng góp quan trọng trong việc nâng cao dân trí, tri thức khoa học, tạo ra lực lượng cán lao động có trình độ chuyên môn cao phục vụ xây dựng và phát triển đất nước. Bên cạnh những thuận lợi, cơ hội thì ngành thư viện còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi Đảng, Nhà nước, các Bộ Ban ngành, các địa phương cần quan tâm và đánh giá đúng mức vai trò của ngành thư viện qua đó giành sự đầu tư thỏa đáng về tổ chức nhân sự cũng như tài chính ngân sách. Đối với các thư viện, mỗi cán bộ thư viện, các nhà quản lý, các chuyên gia thư viện trong cả nước cần năng động và sáng tạo nhiều hơn, nỗ lực làm việc và cống hiến nhiều hơn. Đặc biệt là cần có tư duy mới, phù hợp với xu thế toàn cầu, biết khai thác những thành tựu của cuộc cách mạng 4,0  giúp hệ thống thư viện Việt Nam phát triển ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới.

              Tài liệu Tham khảo chính

   1. Báo cáo Tổng kết hoạt động thư viện công cộng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (các năm từ 2013 đến 2017).

   2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 - H.: NXB Văn hóa-thông tin, 2012. - Tr. 127-205.

   3. Bộ Giáo dục và Đào Tạo, Tổng kết hoạt động của Cục cơ sở vật chất và thiết bị trường học các năm 2025-2017

   4. Krishan Kumar. Library Management in Electronic Environment, - India: Har-Anand, 2017.

   5.  Lancaster and Wilfrid. Technology and management in Library and Information service, - London: Library Association Publishing, 2013

   6.  Lyndon Pugh. Managing 21st Century Libraries - Michigan Scarecrow Press, 2005

   7.  Martin Halbert, Cathy Hartman and Susan Paz, Library Organizational Structure Plan 2010, University of North Texas Libraries, North Texas.

   8. Robert D. Stueart and Barbara B. Moran. Library and Information Center Management: Library and Information Science Text Series. - New York: Libraries Unlimited, 2007.

   9. Subal Chandra Biswas. Managing Libraries in the 21st Century: Some Important Trends, 2014

 

GS. TS Nguyễn Duy Hoan 

(Trưởng Khoa Quốc tế, Giám đốc Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐH Thái Nguyên)