Một số hoạt động liên kết, hợp tác mang tính khả thi nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các thư viện cao đẳng đại học Việt Nam

Tóm tắt: Liên kết, hợp tác là hoạt động tất yếu đối với các thư viện cao đẳng, đại học của Việt Nam. Các hoạt động hợp tác mang tính khả thi bao gồm việc cùng nhau tạo lập nguồn tài nguyên thông tin (bao gồm cả số hóa tài liệu), cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đa dạng tới người dùng tin và phát triển các hệ quản trị thư viện tích hợp. Bên cạnh đó, các thư viện hoàn toàn có thể tham gia vào các hội nghề nghiệp trong và ngoài nước, các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ có liên quan. Đặc biệt trong thời đại số như hiện nay, các thư viện cần liên kết chặt chẽ để thúc đẩy, hỗ trợ cộng đồng người dùng tin trong việc trao đổi, xuất bản các công trình nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ của mình và phối hợp triển khai các dự án trong và ngoài đơn vị, nhằm tối đa hóa khả năng và hiệu suất hoạt động, góp phần vào sự phát triển chung của nền giáo dục nước nhà. 

Liên kết, hợp tác là một xu hướng thiết yếu, sống còn với các thư viện cao đẳng và đại học của Việt Nam hiện nay, nhằm tận dụng các nguồn lực của các đơn vị, cạnh tranh với các công ty và dịch vụ cung cấp thông tin, các cổng thông tin và mạng xã hội, hướng tới mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất, mọi lúc và mọi nơi các nhu cầu ngày càng đa dạng và chuyên biệt hóa của tất cả các nhóm người dùng tin căn bản. Với điều kiện thực tế của các thư viện cao đẳng, đại học ở Việt Nam hiện nay, chúng tôi xin đề xuất một số hoạt động hợp tác trong và ngoài nước, trong và ngoài hệ thống thông tin thư viện cao đẳng đại học Việt Nam, cũng như một số sản phẩm và dịch vụ mang tính khả thi cao, có thể triển khai ngay nhằm tối đa hóa khả năng phục vụ nhu cầu học tập, giảng dạy và nghiên cứu của cán bộ, giảng viên và sinh viên trên toàn quốc.

1. Phát triển nguồn tài nguyên thông tin (bao gồm cả số hóa tài liệu)

Trong thực tế, việc phát triển nguồn tài nguyên thông tin trên cơ sở liên kết giữa các thư viện trong và ngoài nước với nhau, giữa các thư viện với nhà cung cấp đã chứng minh tính hiệu quả của nó như tiết kiệm chi phí, tránh sự trùng lặp, làm phong phú các nguồn học liệu và tối đa hóa việc sử dụng chúng. Vì vậy, cần tiếp tục phát huy hình thức hợp tác này, cụ thể như sau:

Thứ nhất là tiến hành liên kết trong hoạt động bổ sung tài liệu, theo hình thức hiệp hội (consortium) hoặc theo hình thức phân công nhiệm vụ cho mỗi thư viện bổ sung tài liệu thuộc một vài chia lĩnh vực, chuyên ngành khác nhau. Có thể kể ra đây ví dụ về bổ sung theo hình thức hiệp hội như việc một số thư viện Việt Nam mua và sử dụng chung cơ sở dữ liệu Proquest Central dưới sự chủ trì của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NASATI) trong thời gian qua. Việc bổ sung theo hình thức phân chia lĩnh vực cũng tạo lợi thế cho thư viện các trường tập trung vào tài liệu các môn học, chương trình chủ đạo, được ưu tiên của nhà trường và tận dụng nguồn lực thông tin về các môn học khác từ các thư viện khác.

Thứ hai là hợp tác trong khâu biên mục, phân loại, tóm tắt, làm chỉ mục (indexing), lưu trữ các thông tin thư mục và lập hồ sơ tiêu đề chuẩn. Hoạt động này đặc biệt hữu ích với các thư viện thiếu nhân lực, cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều hoặc cán bộ chưa thật sự “chắc tay” ở các công đoạn này. Việc hợp tác có thể thông qua cổng Z39.50, hoặc sao chép trực tiếp trên cơ sở biên mục tập trung hoặc phân công mỗi một thư viện biên mục một số nhan đề hoặc nhóm ngành cụ thể. Một trong các ví dụ của hình thức này là việc Thư viện Quốc gia cung cấp các biểu ghi của các sách trong khuôn khổ dự án Sách do Quỹ Châu Á tài trợ.

Thứ ba là liên kết trong việc sản sinh tài liệu, bao gồm cả số hóa tài liệu. Rất nhiều thư viện cao đẳng đại học chịu trách nhiệm in giáo trình lưu hành nội bộ tuy nhiên không phải đơn vị nào cũng có đủ cán bộ, cơ sở vật chất kỹ thuật và đôi khi giá thành đi thuê ngoài (outsourcing) còn thấp hơn chi phí tự sản xuất học liệu, do đó thuê ngoài cũng nên là một phương án đối với các thư viện còn non trẻ, chưa thật sự đủ điều kiện thực hiện hoạt động này. Đối với việc số hóa tài liệu, các thư viện, đơn vị có điều kiện về nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật (Thư viện Quốc gia, NASATI, Thư viện KHTH TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên, các công ty cung cấp dịch vụ số hóa …) sẽ thực hiện việc số hóa tài liệu và bàn giao sản phẩm cuối cùng là tài liệu ở các dạng khác nhau như word, pdf, … cho đơn vị đặt hàng. Song song với quá trình này, các đơn vị sẽ chia sẻ, chuyển giao kinh nghiệm vận hành hệ thống số hóa tài liệu nhằm phục vụ cho các hoạt động tương tự trong tương lai. Chi phí cho việc số hóa có thể tính ra thành tiền hoặc quy đổi tương đương, ví dụ như bên đặt hàng có thể thỏa thuận cho bên làm dịch vụ số hóa được sở hữu một số lượng tài liệu, trang đã được số hóa.

Một hình thức liên kết khác rất phổ biến, dễ thực hiện nhưng lại có tầm quan trọng to lớn là liên kết các tài liệu nội sinh (institutional repository) của các thư viện với nhau. Nếu điều kiện công nghệ và tài chính cho phép thì kết nối các kho tài liệu nội sinh trong một Mục lục liên hợp, đơn giản hơn là tập hợp chúng trong một cổng thông tin (portal). Và thậm chí nếu thư viện nào chưa thể thực hiện các phương thức trên thì tạo liên kết tới các kho tài liệu này trên website của thư viện, nhằm giúp người dùng tin có thêm nhiều lựa chọn phục vụ cho nhu cầu của bản thân.

2. Cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thông tin thư viện

Thông thường mỗi một thư viện cao đẳng đại học chỉ tập trung vào việc cung cấp một số sản phẩm và dịch vụ thông tin thư viện nhất định, theo định hướng phát triển và thế mạnh của đơn vị cũng như nhu cầu của các nhóm người dùng tin chính. Để phục vụ được tối đa nhu cầu chuyên biệt của tất cả các nhóm người dùng tin, việc hợp tác, liên kết giữa các đơn vị, công ty rất có tác dụng.

Phương thức đơn giản nhất để triển khai việc liên kết này là thành lập hoặc tham gia các hiệp hội, chi hội thư viện, các tổ chức nghề nghiệp mà ở đó có các điều khoản cho phép người dùng tin của các đơn vị thành viên có quyền sử dụng tài liệu của tất cả các thư viện thành viên khác. Ngoài ra các thư viện, công ty dịch vụ thông tin có thể ký hợp đồng, thỏa thuận song phương, đa phương trong việc cung cấp các dịch vụ thông tin để hỗ trợ nhau phục vụ người dùng tin hiệu quả hơn. Một hình thức đơn lẻ khác là các thư viện có thể hỗ trợ từng đối tượng người dùng tin cụ thể bằng cách liên hệ với các đơn vị khác có sản phẩm và dịch vụ mà người dùng tin cần. Và cuối cùng là hình thức hỗ trợ theo kiểu cầm tay chỉ việc; đó là đơn vị này cử cán bộ tới làm chuyên gia tư vấn cho hoạt động của đơn vị kia, hoặc mời cán bộ có kinh nghiệm, chuyên môn vững vàng của đơn vị khác tới làm việc trực tiếp tại đơn vị mình để hỗ trợ tại chỗ việc triển khai, quảng bá các hoạt động.

Mặc dù hiện nay, nhiều thư viện chưa có Mục lục truy nhập công cộng trực tuyến (OPAC) hoặc chỉ truy cập được OPAC tại chính đơn vị do chưa có trang tin điện tử và Việt Nam gần như chưa có Mục lục liên hợp (Union catalog), các thư viện vẫn có thể hỗ trợ nhau làm phong phú thêm sản phẩm và dịch vụ bằng cách cung cấp các danh mục tài liệu của đơn vị ở dạng file excel, tạo lập các blog, trang wiki, facebook, twitter để chia sẻ danh mục tài liệu. Trong thời đại của công nghệ số, không nên xem nhẹ vai trò của các trang thông tin điện tử, mạng xã hội bởi chúng mang tính chính thống hay không là do phương pháp quản trị của chúng ta, chứ không phải do bản chất của chúng. Các sản phẩm và dịch vụ có thể đưa vào mạng lưới liên kết này bao gồm nhưng không giới hạn trong việc cung cấp bản sao (sách, bài trích, luận án luận văn) thông qua fax, bưu điện, thư điện tử; dịch thuật tài liệu; giới thiệu các nguồn tin truy cập mở trên internet; phổ biến thông tin có chọn lọc (SDI); cung cấp thông tin hiện hành; dịch vụ đa phương tiện (Information Commons); đặt sách trực tuyến; tham khảo ảo; tìm tin theo chủ đề (subject guide) và không gian trải nghiệm và sáng tạo (maker space). Người dùng tin có thể trực tiếp sử dụng các dịch vụ này hoặc các thư viện đứng ra làm người đại diện cho người dùng tin để thực hiện mọi giao dịch với thư viện khác.

3. Phát triển hệ thống quản trị thư viện tích hợp

Sử dụng hệ thống quản trị thư viện tích hợp là xu thế không thể đảo ngược đối với các thư viện nói chung và thư viện cao đẳng đại học nói riêng. Do vấn đề về chi phí, công nghệ, con người và chính sách, các thư viện cần có sự hỗ trợ, chia sẻ với nhau về hệ thống quản trị thư viện tích hợp. Các thư viện, công ty đang sử dụng hệ thống này hoặc có khả năng thiết kế hệ thống này không chỉ chia sẻ kinh nghiệm sử dụng mà còn chuyển giao kỹ thuật và công nghệ này cho các đơn vị khác. Việc chia sẻ này có thể thực hiện theo hình thức hoàn toàn, tức là chuyển giao tất cả các module, trang thiết bị hoặc chuyển giao một phần, chuyển giao dần dần trên cơ sở chọn lựa các module, trang thiết bị cơ bản, thiết yếu theo một lộ trình nhất định. Việc chuyển giao dù là hoàn toàn hay dần dần, cũng phải đảm bảo tính quy chuẩn (áp dụng các tiêu chuẩn nghiệp vụ mang tính quốc tế), tính tương thích, tính kế tiếp và dễ sử dụng không chỉ trong thời điểm hiện tại mà cả trong tương lai khi nâng cấp hay kết nối hệ thống này với các hệ thống khác.

Có hai vấn đề chủ yếu phát sinh với các thư viện cao đẳng đại học Việt Nam hiện nay liên quan tới việc sử dụng hệ quản trị thư viện tích hợp. Thứ nhất là một số đơn vị không đủ kinh phí để trang bị hệ thống này. Trong trường hợp này có thể áp dụng hình thức chuyển giao dần dần nhằm phù hợp với kinh phí eo hẹp, rót nhỏ giọt cho thư viện. Phương án khác là sử dụng các phần mềm mã nguồn mở, miễn phí như DSpace, KOHA, Greenstone … Thứ hai là một số đơn vị có đủ điều kiện tài chính, cơ sở vật chất nhưng lại gặp khó khăn trong việc lựa chọn một trong số hàng loạt các hệ quản trị và / hoặc ít có kinh nghiệm trong việc quản trị hệ thống. Với trường hợp thứ hai, việc chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm là quan trọng nhất. Thư viện đã có phần mềm có thể tư vấn cho thư viện chưa có về cách lựa chọn phần mềm phù hợp, cách chọn nhà cung cấp, chạy thử nghiệm và bảo trì. Các thư viện cũng có thể mời cán bộ thư viện khác có kinh nghiệm tới đơn vị mình hoặc cử cán bộ tới tập sự tại thư viện khác với chính hệ quản trị đó.

4. Thành lập, tham gia các hội nghề nghiệp và các hoạt động thông tin thư viện trong và ngoài nước

Đây là một hình thức liên kết đơn giản và phổ biến nhất trong ngành thông tin thư viện không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, với phương châm “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Mặc dù các hiệp hội, hội, liên chi hội, chi hội của ngành thông tin thư viện Việt Nam chưa thật sự phong phú và có nhiều lựa chọn cho các đơn vị tham gia như ở các nước phát triển, chúng ta vẫn thấy những dấu hiệu tích cực và lạc quan tới từ các tổ chức này ở Việt Nam. Có thể kể ra đây một số tổ chức thư viện ở Việt Nam như Hội thư viện Việt Nam, Liên hiệp Thư viện Việt Nam về nguồn tin điện tử, Liên hiệp Thư viện Đại học Khu vực phía Nam (VILASAL), Liên chi hội Thư viện Đại học khu vực phía Bắc, Mạng cộng đồng thư viện trực tuyến (OLICON), và Chi hội thông tin thư viện ĐH CĐ khu vực trung du miền núi phía Bắc. Ngoài ra còn có Hội hỗ trợ thư viện và giáo dục Việt Nam (LEAF-VN) do các Việt kiều Mỹ thành lập …Các hội nghề này sẽ hỗ trợ thư viện thành viên trong việc cung cấp thông tin, văn bản nghề nghiệp, bảo vệ quyền lợi hội viên, tổ chức đào tạo, tập huấn, hội thảo, hỗ trợ các hoạt động hợp tác quốc tế, xuất bản tạp chí nghề thư viện và các công trình nghiên cứu khoa học của hội viên cũng như hỗ trợ, vận động đóng góp, thành lập các chi hội mới và có tiếng nói nhất định với cơ quan chủ quản của các thư viện thành viên.

Đối với các hội nghề và hoạt động thông tin thư viện trong nước, việc tham gia nên theo phương châm càng nhiều càng tốt. Vấn đề lớn nhất khi tham gia các hội nghề ở Việt Nam là cơ chế, chính sách hoạt động. Các thư viện đều có các định hướng phát triển khác nhau cũng như quy định riêng về số lượng, thời gian mượn trả, gia hạn, thứ tự ưu tiên trong bổ sung tài liệu và các hoạt động khác. Khi tham gia các hội nghề, các thư viện phải đạt được thỏa thuận chung về các hình thức liên thư viện, quy trình mượn trả (theo cách truyền thống và điện tử), phương thức xác định và thanh toán tài chính, mức đóng góp cho từng đối tượng thành viên cụ thể.  Khi các thư viện đã quyết tâm và thực sự muốn tham gia, việc thỏa thuận tuy khó khăn song không phải là bất khả thi, điển hình như một số hiệp hội ngày càng có đông thành viên và thường xuyên tổ chức đều các hoạt động.

Ở cấp độ khu vực và quốc tế, có hàng loạt các tổ chức, chương trình để các thư viện Việt Nam có thể tham gia như Hiệp hội thư viện quốc tế (IFLA), Hội nghị quốc tế Thư viện số Châu Á – Thái Bình Dương (ICADL), Đại hội cán bộ thư viện các quốc gia Đông Nam Á (CONSAL) và Ohio Computer Library Center (OCLC), …Để tham gia ở cấp độ quốc tế, các thư viện cao đẳng đại học Việt Nam chủ yếu gặp trở ngại về tài chính và ngôn ngữ. Do đó, việc tham gia các hiệp hội nghề trong nước càng có vai trò đặc biệt quan trọng, với ý nghĩa hội, hiệp hội sẽ đứng ra hỗ trợ các thành viên giải quyết các khó khăn này như hỗ trợ một phần kinh phí, kêu gọi các nhà tài trợ, cử thông dịch viên đi kèm …

5. Thúc đẩy, hỗ trợ trao đổi học thuật và xuất bản các nghiên cứu khoa học, bao gồm cả các nghiên cứu khoa học của cán bộ thư viện

Các hoạt động học thuật, nghiên cứu khoa học trong các trường cao đẳng đại học nói chung và thư viện nói riêng ngày càng có nhiều khởi sắc và nhiệm vụ của thư viện là phải hỗ trợ đắc lực các hoạt động này, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và bùng nổ công nghệ thông tin và truyền thông.

Trước hết, các thư viện cần liên kết với nhau để cung cấp một cách tối đa các tài liệu cho cán bộ, giảng viên và sinh viên, đặc biệt là tài liệu cho các đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp nhà nước, luận án, luận văn, các bài báo dự định đăng trên các tạp chí quốc tế bởi khó có một thư viện riêng lẻ nào có thể cung cấp đầy đủ nguồn tài liệu tham khảo cho các tác giả. Ngoài ra, các thư viện nên hỗ trợ các nhà nghiên cứu cách trích dẫn tài liệu tham khảo và sử dụng các phần mềm hỗ trợ (Zotero, Endnote, Mendeley, Bibme, RefWork …) theo các quy định trong nước và quốc tế (trích dẫn theo kiểu APA, Chicago Style và MLA).

Hoạt động khác mà các thư viện có thể hỗ trợ cộng đồng nghiên cứu khoa học là cung cấp cho họ danh mục các tạp chí, nhà xuất bản uy tín trong nước và quốc tế cùng các quy định về quy trình xuất bản, đăng bài báo, quy trình phản biện và hình thức (format) của xuất bản phẩm theo quy định riêng của từng nhà xuất bản.

Và cuối cùng là hoạt động hỗ trợ xuất bản bài báo và công trình nghiên cứu khoa học. Ngoài việc các thư viện hỗ trợ các tác giả đăng tải bài báo, công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí của các trường chủ quản, cần hỗ trợ họ xuất bản ở dạng điện tử. Nếu các thư viện có thể hỗ trợ thày cô và sinh viên xuất bản thông qua hệ thống đào tạo trực tuyến thì tác dụng của nó và sự lan tỏa rất lớn. Việc xuất bản, chia sẻ các nghiên cứu khoa học trên các ứng dụng dựa trên nền tảng web hiện nay cũng đang rất phổ biến trên thế giới, như xuất bản trên Youtube, Google Drive, Google Doc, wiki, blog, hay các dự án tài liệu điện tử/tài liệu số như Thư viện học liệu mở Việt Nam (VOER), Mạng giáo dục EduNet của Bộ GD&ĐT, Google Scholar, Dự án Gutenberg, Internet Archives và DOAJ. Do các quan ngại về kinh phí, tính công bằng về thông tin, tính mở của các tài liệu, tính xã hội hóa hoạt động xuất bản và đặc biệt là nhu cầu đưa các nghiên cứu khoa học tới một cộng đồng người dùng rộng lớn trên toàn thế giới, ngày nay quan niệm về xuất bản đã thay đổi, không chỉ xuất bản các công trình khoa học trên các tạp chí danh tiếng, bởi các nhà xuất bản uy tín, lâu năm hay ở dạng in, việc xuất bản chúng ở dạng điện tử trên các mạng xã hội, các cổng thông tin cũng rất quan trọng và có tính thực tiễn, khuyến khích to lớn, đặc biệt là với các nhà nghiên cứu trẻ.

6. Đào tạo và đào tạo lại cán bộ

Theo quan điểm của chúng tôi, con người là yếu tố quan trọng nhất trong mọi hoạt động của xã hội nói chung và thư viện nói riêng, kể cả trong thời đại số hóa hay rô bốt hóa, khi mà hoạt động lãnh đạo, quản lý và đặc biệt là kết nối với người dùng tin vẫn cần đội ngũ cán bộ vừa có tâm vừa có tầm. Do đó, đào tạo và đào tạo lại cán bộ là nhu cầu, là định hướng tiên quyết trong hoạt động của các cơ quan thông tin thư viện, nhất là trong môi trường giáo dục đại học – nơi đang tiếp cận với nhiều cơ hội, đối mặt với nhiều thách thức và là nơi mà vị thế của cán bộ thư viện còn chưa được đánh giá đúng mức.

Các thư viện nên phối hợp tổ chức một số hoạt động như hội thảo, hội nghị, đào tạo, tập huấn ngắn hạn và dài hạn nhằm tạo điều kiện cho cán bộ tiếp thu các kiến thức, kỹ năng mới về thông tin- thư viện, công nghệ, giao tiếp, và quản lý dự án. Đặc biệt với các hoạt động đòi hỏi chi phí, kiến thức nghề và pháp lý quốc tế như mời chuyên gia quốc tế tới giảng dạy, làm việc, đăng cai các hội nghị, chương trình có quy mô lớn, triển khai các hoạt động dự án mang tính quốc tế, cần có sự liên kết, đồng tổ chức giữa các hội thư viện hoặc giữa nhiều thư viện cao đẳng đại học nhằm hỗ trợ lẫn nhau và tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực sẵn có của các đơn vị cho các hoạt động này.

Đặc biệt, với cán bộ quản lý của các thư viện, việc đào tạo lại vô cùng quan trọng bởi cách tổ chức, quản lý chính là một trong các yếu tố mấu chốt dẫn tới thành công của một đơn vị. Họ cần phát triển các kỹ năng quản lý và lãnh đạo ở cấp độ cao hơn, giúp họ quản lý thư viện và nguồn tài nguyên thông tin hiệu quả. Cụ thể là họ cần ảnh hưởng và thúc đẩy người khác hướng tới sự hoàn thiện, có khả năng thích nghi với các tác phong, hoàn cảnh và văn hóa làm việc, học tập khác nhau và có thể dẫn dắt sự thay đổi trong thư viện. Các kỹ năng quản lý đổi mới, quản lý sự thay đổi cũng đặc biệt quan trọng trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão và nhu cầu của người dùng tin cũng thay đổi nhanh chóng và ở các cấp độ cao hơn. Và một trong những cách thức hỗ trợ cán bộ quản lý phát triển các kỹ năng này là đào tạo thông qua thực tiễn như tham gia ngày càng nhiều các hoạt động trong và ngoài thư viện và được tư vấn, hướng dẫn bởi các đồng nghiệp dày dạn kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, việc các thư viện chia sẻ với nhau thông qua văn bản, email, diễn đàn, trang web các thông tin về các chương trình đào tạo, trao đổi cán bộ (staff exchange), các học bổng thực tập, kiến tập, học bổng tham dự hội thảo quốc tế (travel grant) dành cho cán bộ ngành thông tin thư viện cũng là hoạt động có ý nghĩa thiết thực đối với sự phát triển nghề nghiệp của cán bộ.

7. Triển khai các dự án trong và ngoài đơn vị

Chúng tôi chú ý tách nội dung này thành một mục riêng ra bởi tính chất quan trọng và ảnh hưởng lớn (kể cả theo cách tích cực hoặc tiêu cực) của các dự án với các cá nhân và tổ chức có liên quan. Năng lực triển khai dự án có ý nghĩa quan trọng với các cá nhân và đơn vị, đặc biệt là nếu các thư viện có nhu cầu liên kết, hợp tác, tham gia các hoạt động kết nối trong và ngoài nước.

Dự án có thể mang tính nội bộ, ở cấp cơ sở, tập trung vào một hoặc một vài lĩnh vực cũng có thể là dự án vượt ra ngoài khuôn khổ của thư viện, mang tính khu vực, quốc gia thậm chí là quốc tế và trải dài trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Dù lớn hay nhỏ, các công đoạn thực hiện một dự án là tương đối giống nhau và việc liên kết, hợp tác giữa các thư viện là cần thiết nhằm chia sẻ các khó khăn cũng như tận dụng sự sẵn có về các nguồn lực.

Các dự án quy mô nhỏ và mang tính nội bộ như biến một ý tưởng mới, triển khai một hoạt động mới của thư viện từ lúc là một sáng kiến cho đến khi trở thành bản kế hoạch, triển khai các hoạt động, quảng bá, đánh giá, báo cáo và đảm bảo tính bền vững, liên tục của nó thì không nhất thiết cần có sự tham gia trực tiếp của các thư viện khác nhưng vẫn cần sự chia sẻ kinh nghiệm về cách thức triển khai, lập kế hoạch, tính toán chi phí … Với các dự án lớn hơn, có yếu tố bên ngoài như mua sắm một vài trang thiết bị, thiết lập một vài phòng chức năng trong thư viện, tổ chức hội thảo, hội nghị, tập huấn ngắn ngày, cho đến các dự án lớn như xây dựng mới trụ sở, tổ chức tập huấn dài ngày, mời chuyên gia quốc tế tới làm việc và đỉnh cao là viết dự án xin tài trợ thì hợp tác là một trong các yếu tố quyết định thành công của dự án.

Các thư viện có thể kết hợp với nhau ở tất cả hoặc bất kỳ công đoạn nào của dự án như viết đề xuất, tìm nhà tài trợ, triển khai, đánh giá, viết báo cáo hoạt động, quảng bá dự án tới các đối tượng có liên quan hoặc cung cấp cơ sở vật chất phục vụ cho dự án như hội trường, máy tính, internet ... Mỗi thư viện thực hiện một hoặc một vài công đoạn hoặc lập một nhóm dự án với các thành viên tới từ các thư viện khác nhau để đạt được mục đích, kết quả mà dự án đã đặt ra. Liên kết thực hiện dự án cần có sự cam kết mang tính lâu dài, có thỏa thuận rõ ràng giữa các đơn vị tham gia dự án như phân chia công việc, chịu trách nhiệm, và đảm bảo theo đúng tiến độ đã đề ra.

Tóm lại, liên kết, hợp tác là hoạt động không thể thiếu với các thư viện cao đẳng đại học. Có thể triển khai nhiều hình thức liên kết hợp tác từ phát triển nguồn tài nguyên thông tin đến cùng triển khai các dự án, hoạt động. Dù thực hiện bất cứ hình thức liên kết nào, cần có chính sách, quy định rõ ràng cụ thể, có cơ chế đảm bảo quyền và nghĩa vụ của tất cả các thành viên và trên hết là sự tin tưởng lẫn nhau để việc hợp tác mang tính liên tục và lâu bền, bởi liên kết hợp tác cũng cần đảm bảo sự phát triển bền vững của chính nó.

Tài liệu tham khảo

Tiếng Anh

Arya, D. (2015). Library networks: effective means of resource sharing. Retrieved March 20, 2016, from https://dhyrachmaa.wordpress.com/2015/02/23/library-networks-effective-means-of-resource-sharing/

Borm, J. v., & Sokolova, N. (2004). From library co-operation to consortia: comparing experiences in the European Union with the Russian Federation. LIBER Quarterly, 14. Retrieved March 13, 2016, from https://www.liberquarterly.eu/articles/10.18352/lq.7794/

Broucke, S. V. (2009). Successful project writing and management: experience from good practice. Retrieved March 16, 2016, from http://ec.europa.eu/chafea/documents/health/infodays/presentations/Successful_project_writing_and_management_experience_

for_good_practice.pdf

Calhoun, K. (2010). Libraries and cooperative systems. Retrieved March 27, 2016, from http://www.slideshare.net/amarintha/library-cooperative-systems

Kumar, M. K. (2013). Library cooperation. Retrieved March 25, 2016, from http://www.slideshare.net/Mpilo7/library-consortia-49194882

Mark, T. (2007). National and international library collaboration: necessity, advantages. Retrieved April 1, 2016, from http://doi.org/10.18352/lq.7883

Mohapatra, N. (2016). Academic library networks and resource sharing. Retrieved April 01, 2016, from http://www.slideshare.net/NIRANJANMOHAPATRA/acadenic-library-networks-and-resource-sharing-by-niranjan-mohapatra-mlis-ignou-142389253

Mohd, M., & Islam, R. (2012). Present status of library cooperation, networking, and resource sharing in Bangladesh: web-based library cooperation for access to world-wide information. Retrieved April 2, 2016, from http://digitalcommons.unl.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1897&context=libphilpra

Zungu, N. (2015). Library consortia. Retrieved March 2, 2016, from http://www.slideshare.net/Mpilo7/library-consortia-49194882

Tiếng Việt

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (2015). Định hướng phát triển của các thư viện Đông Nam Á trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đã truy cập 2/4/2016, từ http://cinet.vn/articledetail.aspx?articleid=22706&sitepageid=564#sthash.7Z8e2LdG.3kTpZdA6.dpbs

Hoàng, H. (2011). Quá trình kiểm soát nhân lực thư viện: yếu tó quan trọng trong quản lý và phát triển thư viện hiện đại. Đã truy cập 27/03/ 2016 , từ http://vietnamlib.net/headlines/qua-trinh-kiem-soat-nhan-luc-thu-vien-yeu-to-quan-trong-trong-quan-ly-va-phat-trien-thu-vien-hien-dai

L. Đ., & L. K. (2011). Đẩy mạnh hợp tác giữa các thư viện đại học ở Việt Nam: giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ thư viện. Đã truy cập 19/03/2016, từ http://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/day-manh-hop-tac-giua-cac-thu-vien-dai-hoc-o-viet-nam-%E2%80%93-giai-phap-nang-cao-chat-luong-dich-vu-thu-vien.html

Nguyễn, L. T. (). Consortium: giải pháp nâng cao hiệu quả bổ sung tài liệu điện tử. Đã truy cập ngày 12/03/2016, từ http://www.vjol.info/index.php/ssir/article/view/7272/6800

Nguyễn, Q. H. (2007). Quản lý dự án: dùng cho sinh viên hệ đào tạo đại học từ xa. Đã truy cập 22/03/2016, từ http://www.e-ptit.edu.vn/hoctap/hoclieu/QLDA.pdf

Phạm, K. T. (2016). Phát huy vai trò liên chi hội tỏng công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học. Đã truy cập 17/03/2016, từ http://idtvietnam.vn/vi/tin-tuc/kien-thuc-chuyen-nganh/673-phat-huy-vai-tro-lien-chi-hoi-trong-cong-cuoc-doi-moi-thu-vien

Thái, T. T. (2012). Tham gia OCLC để chia sẻ tài nguyên khoa học. Đã truy cập 23/03/2016, từ http://flis.huc.edu.vn/?p=521

Trường Đại học Hàng hải (2015). Tổng quan OCLC. Đã truy cập 11/03/2016, từ http://www.vimaru.edu.vn/sites/default/files/u648/00%20Tai%20lieu%20tong%20the%20OCLC.PDF

(Bài đăng trong Kỷ yếu Tọa đàm khoa học “Định hướng phát triển Trung tâm Thông tin khoa học và Tư liệu giáo khoa của Học viện Chính trị Công an nhân dân” năm 2016).

 

Minh Huệ - Bích Ngọc ( P. CTNV - TTHL Thái Nguyên)