Đẩy mạnh tăng cường hợp tác giữa Trung tâm Học liệu và các đơn vị trực thuộc Đại học Thái Nguyên

Sáng ngày 24/4/2018 tại phòng họp số 1 Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đã diễn ra “Hội nghị tăng cường hợp tác giữa Trung tâm Học liệu (TTHL) và các đơn vị trực thuộc ĐHTN”. Chủ trì Hội nghị có GS. TS Đặng Kim Vui – Bí thư Đảng Ủy – Giám đốc ĐHTN, tham dự Hội nghị có trên 30 đồng chí là lãnh đạo các ban chức năng Đại học, các đồng chí lãnh đạo trường, khoa, đơn vị trưc thuộc ĐHTN.

Thay mặt lãnh đạo Trung tâm, GS. TS Nguyễn Duy Hoan – Giám đốc TTHL kiêm Trưởng khoa Khoa Quốc tế đã trình bày Báo cáo công tác hợp tác giữa TTHL và các đơn vị trực thuộc ĐHTN giai đoạn 2013 – 2017.

Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, TTHL đã trở thành một địa chỉ quen thuộc, đáng tin cậy, là đơn vị dẫn đầu trong cả nước về lĩnh vực thông tin thư viện, được nhiều tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Cũng là đơn vị dẫn đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông và các chuẩn thư viện hiện đại trên thế giới trong tất cả các hoạt động của đơn vị. TTHL đã phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong việc phối hợp với các Trường, Khoa, đơn vị của ĐHTN trong một số các lĩnh vực sau:

Về công tác cung cấp nguồn tài nguyên: Trung tâm đã cung cấp được 63.714 tên sách tương đương với 374.111 cuốn; 13.751 luận văn, luận án, đề tài nghiên cứu khoa học; cung cấp được 101.632 tài liệu điện tử. Phối hợp số hóa 608.213 trang tài liệu cho các trường: Đại học kỹ thuật công nghiệp, Đại học Nông lâm, Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh…

Hội nghị thu hút sự quan tâm của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc ĐHTN

Hàng năm, Trung tâm tích cực phối hợp tổ chức hướng dẫn sử dụng TTHL đối với cán bộ, giảng viên và sinh viên các trường với 393 buổi, có 51.590 lượt bạn đọc tham gia. Số lượng bạn đọc đến sử dụng các dịch vụ tại Trung tâm là 1.314.320 lượt. Số lượt tài liệu in ấn bạn đọc mượn tại Trung tâm tính từ năm 2013 đến 2017 là 1.298.777. Số download tài liệu điện tử là 140.010 lượt.

Về dự án trong và ngoài nước: Dự án phát triển bền vững TTHL, đã cung cấp tổng số 78 máy tính để bàn cùng nhiều thiết bị CNTT cho các đơn vị đào tạo trực thuộc ĐHTN; Dự án “Hỗ trợ viết, đăng và chia sẻ bài báo khoa học cho các Giảng viên trẻ ĐHTN” do NXB Elsevier tài trợ đã hỗ trợ cho 100 Cán bộ, giảng viên, nhà khoa học ĐHTN; Chương trình AuthorAID Small Grants Workshop và Dự án do Mạng lưới Ấn phẩm khoa học Quốc tế (INASP) tài trợ - Tập huấn cách viết và chia sẻ các bài báo khoa học quốc tế, nâng cao kỹ năng viết và xuất bản bài báo khoa học cho 135 cán bộ, giảng viên trẻ của ĐHTN và các trường Đại học trong khu vực; Hợp tác đào tạo ngành Khoa học Thư viện giữa TTHL và  Đại học Khoa học Thái Nguyên; Trang bị hệ thống phần mềm quản lý thư viện tích hợp số cho Thư viện các đơn vị, hướng dẫn sử dụng và hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên; Xây dựng học liệu điện tử và phần mềm biên tập, xử lý, đóng gói học liệu điện tử.

Ngoài ra, Trung tâm đã tích cực phối hợp, hỗ trợ các Trường và đơn vị của Đại học, như: Phối hợp khảo sát, đánh giá thực trạng Thư viện các đơn vị, Tư vấn với trường (khoa), các Thư viện xây dựng hệ thống các minh chứng bám sát tiêu chí 9.1; cử gần 1200 lượt cán bộ trực tiếp hỗ trợ công tác vận hành phần mềm quản trị thư viện tích hợp; cử trên 30 lượt cán bộ đến phối hợp với nhà trường trong việc tiếp đón và làm việc với đoàn đánh giá ngoài trong việc cung cấp minh chứng về hệ thống các văn bản pháp quy cần thiết; cung cấp các minh chứng về các số liệu về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, máy móc thiết bị phục vụ bạn đọc; cung cấp các minh chứng về danh mục tài liệu in ấn điện tử dành cho từng ngành, chuyên ngành đào tạo của từng đơn vị, cung cấp minh chứng về các số liệu phục vụ bạn đọc chia theo từng đơn vị.

GS.TS Nguyễn Duy Hoan - Giám đốc TTHL kiêm Trưởng khoa Khoa Quốc tế trình bày Báo cáo công tác hợp tác giữa TTHL và các đơn vị trực thuộc ĐHTN giai đoạn 2013 – 2017

Bên cạnh đó, TTHL còn đóng vai trò quan trọng trong việc xếp hạng webometrics của ĐHTN. 07 chỉ số thường sử dụng và có trọng số cao nhất trong các bảng xếp hạng đại học trên thế giới: ý kiến đánh giá của các học giả; ý kiến đánh giá của các nhà tuyển dụng; số lượng công trình khoa học và chỉ số trích dẫn; tỉ lệ sinh viên/cán bộ khoa học; tài nguyên học liệu; tỉ lệ sinh viên quốc tế và sinh viên đi trao đổi; tỉ lệ giảng viên quốc tế và giảng viên đi trao đổi.

Theo kết quả xếp hạng đợt tháng 7/2017 của Webometrics  - Tại Việt Nam có 124 trên tổng số hơn 500 trường đại học cao đẳng, các viện nghiên cứu có mặt trong bản xếp hạng này. Trong đó, ĐHTN xếp thứ 8 và luôn giữ ổn định trong top 10 của Việt Nam trong 3 năm vừa qua. Kho dữ liệu số của ĐHTN (TTHL xây dựng) được xếp vị trí thứ 2 trong xếp hạng các kho dữ liệu số các Trường Đại học tại Việt Nam. Trong các chỉ số trên, có thể thấy xuất hiện vai trò đặc biệt quan trọng của TTHL, điểm xuất phát của hầu hết các nghiên cứu khoa học, sự sáng tạo, môi trường học tập hiện đại và các phát minh mới…

Tại Hội nghị, lãnh đạo các trường như: Đại học Sư phạm, Đại học Nông lâm, Đại học Y, Đại học Kinh tế Quản trị kinh doanh, Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Lào Cai…đã thực sự ghi nhận và đánh giá cao vai trò quan trọng của TTHL đối với các đơn vị trong ĐHTN.

GS. TS Đặng Kim Vui - Bí thư Đảng Ủy – Giám đốc ĐHTN phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, GS. TS Đặng Kim Vui - Bí thư Đảng Ủy – Giám đốc ĐHTN cho biết: Học liệu chính là thành tố quan trọng nhằm đẩy mạnh nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; đồng thời, đây cũng là cơ sở trong việc quảng bá vị thế của ĐHTN. TTHL và các đơn vị thành viên trong Đại học cần phối hợp, liên kết chặt chẽ để công tác dạy và học chuyển dần sang hình thức giảng dạy online hướng đến mô hình Đại học điện tử trong tương lai. Bên cạnh đó, Giám đốc Đại học cũng yêu cầu: TTHL sẽ tiếp tục là đơn vị đi đầu trong hệ thống thư viện với những chính sách phát triển mới, áp dụng công nghệ, chuẩn thư viện tiên tiến trên thế giới, phát huy hơn nữa lợi ích giá trị mà mô hình thư viện điện tử mang lại; đẩy mạnh sản xuất bài giảng E-learning, tạo khung chương trình để áp dụng dần trong các môn học. Tăng cường tập huấn kiến thức và kỹ năng quản lý và sử dụng học liệu điện tử, phối hợp với các giảng viên xây dựng bài giảng điện tử, triển khai hệ thống LMS và LCMS tại TTHL, phân quyền cho các đơn vị.

Trong tiến trình hội nhập quốc tế và nền công nghệ phát triển mạnh mẽ, nếu như đào tạo cứ tiếp tục theo lối mòn “thầy giảng, trò nghe”, chỉ một vài năm nữa nền giáo dục sẽ tồn tại những hạn chế nhất định. Để nâng cao chất lượng đào tạo, các cơ sở giáo dục cũng cần thay đổi trong phương pháp giảng dạy, hình thành lối tư duy chủ động, tích cực và tạo động lực học tập cho sinh viên, khả năng phân tích và giải quyết vấn đề của người học; đồng thời, tạo nhiều hứng thú trong học tập khác hẳn với các phương pháp học tập truyền thống. ĐHTN cần phát triển nâng cao nguồn học liệu chất lượng cao, tích cực sản xuất bài giảng điện tử E-learning cho các môn học, triển khai thí điểm đào tạo trực tuyến một số môn học. Vì vậy, trong thời gian tới để đạt hiệu quả tốt thì TTHL và các cơ sở đào tạo tại ĐHTN cần có những phối hợp, liên kết chặt chẽ nhiều hơn nữa để cùng chung tay xây dựng một nền giáo dục điện tử, bắt kịp xu thế hội nhập quốc tế.

 

Thanh Bắc - TTHL